2023 – Nắm thời cơ, giữ tăng trưởng

Những khó khăn và thách thức mà ngành gia cầm Việt Nam đã phải đối mặt trong năm 2022 dự báo sẽ còn tiếp diễn sang quý I và II/2023. Tuy nhiên, năm 2023 cũng sẽ xuất hiện nhiều yếu tố thuận lợi hơn về thị trường và tổ chức sản xuất để ngành gia cầm nước ta duy trì đà tăng trưởng và đạt giá trị gia tăng cao hơn. TS. Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) đã có những chia sẻ đầy tâm huyết xoay quanh câu chuyện về ngành.

Ông đánh giá thế nào về kết quả của ngành gia cầm Việt Nam năm 2022?

Tình hình sản xuất và thương mại của ngành gia cầm Việt Nam năm 2022 được ví như một bức tranh với những gam màu sáng tối đan xen. Các gam màu sáng đó là tăng trưởng sản xuất năm 2022 tương đối cao 4,8%; Sản lượng thịt gia cầm ước đạt 2 triệu tấn; Sản lượng trứng trên 18,3 tỷ quả, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Một số ngành hàng như trứng gia cầm tăng trưởng tương đối tốt, cùng đó giá một số sản phẩm thịt, đặc biệt là trứng tăng cao từ cuối quý II và đầu quý IV/2022, mang lại lợi nhuận khá cho người chăn nuôi. Thị trường xuất khẩu thịt gà chế biến chính ngạch được mở rộng, trong khi sản lượng thịt gà đông lạnh nhập khẩu có xu hướng giảm hơn so năm 2021. Cùng với việc giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, các mô hình chăn nuôi gia cầm công nghệ cao được mở rộng tại nhiều địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh các gam màu sáng, vẫn xuất hiện nhiều gam màu tối. Một là, mặc dù sản xuất đạt tăng trưởng tương đối cao, nhưng thị trường đầu ra, bấp bênh và biến động mạnh, giá trị gia tăng đạt thấp. Nguyên nhân là do tác động của dịch COVID-19; Ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến thị trường tiêu thụ bất ổn; Giá năng lượng và vật tư đầu vào, nhất là giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tăng cao, khiến giá thành sản xuất thịt, trứng tăng cao, trong khi giá đầu ra tăng không tương xứng, thậm chí không tăng. Trước những tác động trên, trong năm vừa qua có thể nói thị trường là một thách thức lớn đối với ngành gia cầm. Người chăn nuôi rất khó lường trong việc nhập đàn, tái đàn xây dựng kế hoạch, quy mô sản xuất trong năm. Hai là, trong nội tại, ngành gia cầm cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội cùng với các trang trại chăn nuôi độc lập, khiến “miếng bánh” thị phần trong nước đang bị thu hẹp dần đối với người nông dân và các doanh nghiệp chăn nuôi Việt. Ba là, dịch bệnh vẫn là mối đe dọa thường xuyên, trong đó có dịch cúm gia cầm với nhiều chủng mới xuất hiện ngày càng nhanh, khiến công tác phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Bốn là, do giá các loại nguyên liệu đầu vào trên thế giới liên tục tăng, khiến giá thức ăn và một số loại thuốc thú y trong nước cũng tăng tương ứng, trong khi đó thì chất lượng lại đi xuống.

chăn nuôi gia cầm

Ngành gia cầm Việt Nam năm 2022 vẫn đạt những kết quả khả quan. Ảnh: Shutterstock.

Giá TĂCN liên tục tăng có lẽ “bài toán khó nhất” với ngành chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng trong năm qua. Vậy theo ông cần giải pháp gì để ổn định giá mặt hàng này?

Mặc dù, ngành sản xuất TĂCN công nghiệp ở Việt Nam đã tăng trưởng ngoạn mục, đạt bình quân 13 – 15%/năm. Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng TĂCN công nghiệp. Tuy nhiên, ngành TĂCN công nghiệp Việt Nam vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài.

Tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu đậu tương, cám, bột cá…) của toàn ngành chăn nuôi Việt Nam cần khoảng 33 triệu tấn/năm, chủ yếu phục vụ chăn nuôi heo và gia cầm. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước chỉ cung cấp được khoảng 10 – 11 triệu tấn, chiếm phần nhỏ với khoảng 35% tổng nhu cầu. Do đó, mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một con số rất lớn, khoảng 20 – 22 triệu tấn nguyên liệu TĂCN.

Trước thực trạng trên, bên cạnh các giải pháp trước mắt như: Giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu TĂCN mà VIPA đã kiến nghị Bộ Tài chính và Thủ tưởng Chính phủ thì Chính phủ cần rà soát loại bỏ những loại phí, lệ phí bất hợp lý về kiểm soát đầu vào chất lượng nguyên liệu, giảm thiểu công tác tiền kiểm và chỉ hậu kiểm khi cần thiết. Về trung và dài hạn, cần có một chiến lược tổng thể phát triển sản xuất nguyên liệu TĂCN trong nước một cách bài bản, căn cơ với nhiều giải pháp đồng bộ để giảm thiểu sự phụ thuộc quá lớn nguồn cung nhập khẩu. Có như vậy, nước ta mới làm chủ được cuộc chơi trong lĩnh vực TĂCN công nghiệp. Khi dùng từ “thay thế” nguyên liệu TĂCN nhập khẩu như ngô, đậu tương bằng nguyên liệu trong nước, chúng ta thấy khó khăn vì nhiều quốc gia có lợi thế về điều kiện tự nhiên cũng như trình độ sản xuất hơn Việt Nam. Nhưng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã từng chia sẻ: “Chúng ta hãy cởi mở tư duy hơn, đừng nghĩ thay thế là lấy cái này đổi cái kia, rồi ngưng nhập khẩu ngô, đậu tương để sản xuất trong nước. Ví dụ, chúng ta hãy thay thế dần dần nguyên liệu tinh bột ngô từ 5% rồi đến 10 – 15% bằng các loại ngũ cốc khác như lúa gạo, lạc, sắn… Bởi mỗi sự thay đổi nhỏ sẽ tạo ra những kết quả to lớn, bởi chúng ta có hàng chục triệu hộ chăn nuôi”.

TS Nguyễn Thanh Sơn

Liên kết có lẽ là “lời giải” giúp các doanh nghiệp, người chăn nuôi sống khỏe trước nhiều thách thức hiện nay của ngành. Trong năm 2022, được biết VIPA đã có rất nhiều nhóm liên kết giao thương nội khối nhằm tăng cường kết nối, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Việc phát triển gia cầm theo chuỗi là tất yếu. Muốn cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài thì chăn nuôi trong nước phải “Liên kết lại”, nếu không sẽ khó “sống sót” trên thị trường trong nước chứ chưa nói đến thị trường nước ngoài.

VIPA là một tổ chức xã hội nghề nghiệp đa ngành hàng, hoạt động khá chuyên nghiệp theo chuỗi giá trị, từ sản xuất cung ứng con giống, TĂCN, thuốc thú y, thiết bị, chế biến giết mổ và phân phối tiêu thụ sản phẩm đến người tiêu dùng. Vì vậy, cơ hội và nhu cầu hợp tác liên kết giữa các hội viên trong nội khối và ngoại khối là rất lớn và hết sức cần thiết.

Chủ trương của VIPA là đẩy mạnh hoạt động giao thương nội khối, nhằm từng bước xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng trên cơ sở phát huy lợi thế và tiềm năng của các hội viên doanh nghiệp. Hiệp hội đã xây dựng Quy chế tổ chức, hoạt động của Nhóm Liên kết giao thương nội khối và Hợp tác chiến lược. Năm qua, hoạt động này đã đạt được một số thành quả bước đầu đáng ghi nhận. Theo đó, Hiệp hội đã tổ chức giao lưu nhằm kết nối, ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp thành viên, đến nay đã hình thành các nhóm liên kết: Nhóm liên kết sản xuất con giống TĂCN, thuốc thú y; Nhóm liên kết phát triển thủy cầm; Nhóm liên kết sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm gia cầm… Tuy vậy, để nâng cao hiệu quả, các đơn vị thành viên và lãnh đạo VIPA cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa.

Vừa qua, ngành chăn nuôi gia cầm nước ta ghi dấu mốc mới khi có thêm một doanh nghiệp xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản. Ông nghĩ thế nào về triển vọng xuất khẩu thịt gà trong thời gian tới?

Năm 2017, lô thịt gà chế biến qua nhiệt đầu tiên của Công ty TNHH Koyu & Unitek đã có mặt tại thị trường Nhật Bản. Mới đây, ngày 25/10/2022, Công ty TNHH CPV Food Bình Phước (CPV Food), thuộc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (CPV) đã xuất khẩu lô hàng thịt gà chế biến với số lượng 33,6 tấn sang thị trường này.

Nhật Bản là một trong số thị trường khó tính trên thế giới với tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao, nhưng là thị trường tiềm năng và là đích đến của nhiều doanh nghiệp. Những thành công này đã mang tới cơ hội kinh doanh rất lớn cho doanh nghiệp chăn nuôi nói chung và gia cầm nói chung. Đồng thời nâng cao hình ảnh và vị thế của ngành gia cầm Việt trên bản đồ ngành gia cầm thế giới, từ đó tiến dần chinh phục đến các thị trường khác.

Bên cạnh thịt gà chế biến, Việt Nam còn nhiều sản phẩm gia cầm như trứng vịt muối, trứng cút chế biến, lông vũ… có cơ hội để tăng xuất khẩu nữa sang các thị trường khác trên thế giới.

Vậy ông nhìn nhận như thế nào về những cơ hội của ngành gia cầm trong năm 2023?

2023 mặc dù được dự báo vẫn là một năm còn khó khăn đối với ngành chăn nuôi như: Giá năng lượng, giá nguyên liệu TĂCN và vật tư đầu vào vẫn đứng ở mức cao; Ảnh hưởng tiêu cực của chiến sự Nga và Ukraine; Tình hình dịch bệnh trên vật nuôi vẫn diễn biến phức tạp. Tuy vậy, sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi hơn để ngành gia cầm Việt Nam khởi sắc.

Thứ nhất là lĩnh vực du lịch nội địa và quốc tế sẽ khởi sắc, nhu cầu tiêu thụ đối với thịt, trứng gia cầm ngày càng tăng tại cả thị trường nội địa lẫn quốc tế, người chăn nuôi có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất. Đối với thị trường thế giới, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đưa ra dự báo, sản lượng thịt gà toàn cầu sẽ tăng trưởng hơn 2% vào năm 2023, đạt mức kỷ lục là 102,7 triệu tấn. Đến năm 2030, thịt gia cầm sẽ chiếm tỷ trọng trên 41% tổng các loại thịt sản xuất và trên 52% tổng thịt thương mại.

Thứ hai là sự chuyển dịch trong xu hướng tiêu dùng các loại thịt, từ tiêu thụ nhiều thịt đỏ (heo, bò) chuyển sang thịt trắng (gia cầm), một phần là do giá thịt gà rẻ hơn, phần khác là do chăn nuôi gia cầm ít ảnh hưởng đến môi trường hơn.

Thứ ba, xuất khẩu sản phẩm gia cầm chính ngạch đã được khơi thông, mở ra triển vọng sản xuất và tiêu thụ sẽ tăng trưởng hơn so với năm 2022. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI ngày càng mở rộng quy mô, cải tiến công nghệ, qua đó cho phép cung cấp lâu dài và ổn định khối lượng lớn hàng hóa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Thắm

(Thực hiện)