Ban lãnh đạo VPA họp triển khai hoạt động Quý II và Quý III/2025
Sáng 22/4, tại Văn phòng Hiệp hội Gia cầm Việt Nam (VPA), Ban lãnh đạo VPA đã tổ chức họp định kỳ triển khai kế hoạch hoạt động Quý II, III/2025 qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tại cuộc họp, Chủ tịch VPA Nguyễn Thanh Sơn đã báo cáo tóm tắt về kết quả hoạt động của Hiệp hội trong Quý I/2025. Theo đó, Hiệp hội đã triển khai thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Tổ chức thành công Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2025 tại Tp. Cần Thơ (ngày 25/2/2025). Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định đổi tên Hiệp hội và phê duyệt Điều lệ mới (ngày 05/3/2025). Văn phòng VPA đã hoàn thành các thủ tục đăng ký và khắc con dấu mới, mở MST và tài khoản ngân hàng tại VietcomBank. Hiệp hội đã phê duyệt 04 Quy chế của 4 ban chuyên môn/6 ban.
Lãnh đạo VPA cùng một số doanh nghiệp (DN) thành viên đã tham gia Hội chợ VIV tại Bangkok, Thái Lan từ 12-14/3/2025 và ký MOU hợp tác giữa VPA và VNU. Đoàn VPA đã thăm và trao đổi hợp tác thương mại với một số doanh nghiệp, đối tác nước ngoài trong khuôn khổ VIV Bangkok. Tham dự buổi gặp mặt một số đối tác của Bỉ và nước ngoài do Đại sứ quán Bỉ tại Thái Lan tổ chức. Lãnh đạo VPA đã làm việc với đại diện tổ chức PUM, thăm, thảo luận với 8 DN về chương trình đào tạo do PUM hỗ trợ. Đến nay đã có 4 DN gửi đề xuất chương trình đào tạo cho Văn phòng PUM. Chủ tịch VPA cùng cán bộ văn phòng đã có buổi làm việc với Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động xúc tiến thương mại.
Lãnh đạo VPA và một số doanh nghiệp đã tham gia Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức bàn các biện pháp ứng phó với thuế quan của Hoa Kỳ. Tại Hội nghị này, VPA đã kiến nghị một số nội dung quan trọng. Theo đó, đề nghị Chính phủ không hạ mức thuế suất thuế nhập khẩu thịt gà từ Hoa Kỳ về 0%. Bộ đã thống nhất với kiến nghị của VPA giữ mức thuế nhập khẩu thịt gà từ Hoa Kỳ là 15%. Lãnh đạo VPA đã tham gia hội nghị và có văn bản kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành gia cầm do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức. Tham gia một số Hội thảo do Bộ ngành tổ chức, trong đó có Hội thảo quốc tế về kháng kháng sinh. Tham gia Hội đồng Khoa học nghiệm thu đánh giá đề tài, dự án do Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Tp. Hà Nội tổ chức.
VPA đã cùng 08 Hội và Hiệp hội gửi 02 văn bản kiến nghị đến Tổng bí thư Tô Lâm, Quốc hội, Chính phủ và một số bộ, ngành về việc góp ý sửa đổi bổ sung Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật ATVSTP. Theo đó, đề nghị bãi bỏ quy định Công bố hợp quy. Tham gia một số cuộc họp do Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức lấy ý kiến sửa đổi bổ sung một số Luật nêu trên.
Đã thiết lập tên miền mới của trang website VPA, đó là www. vpa.net.vn và mở địa chỉ email cho Ban lãnh đạo và cán bộ văn phòng. Bộ phận truyền thông của VPA và Tạp chí vẫn duy trì các hoạt động thông tin và truyền thông khá tốt. Đã phản ánh kịp thời các hoạt động của VPA và của doanh nghiệp thành viên trên 03 trang website và 2 ấn phẩm là báo in. Duy trì việc xuất bản 2 ấn phẩm Thế giới Gia cầm và đặc san Người Chăn nuôi đúng kỳ hạn, mặc dù gặp khó khăn về kinh phí.
Tại buổi làm việc, Ban lãnh đạo Hiệp hội đã thảo luận và cùng nhau bàn các giải pháp và phương hướng cho hoạt động Hiệp hội sắp tới.
Phó Chủ tịch Lê Văn Dư cho biết, thời gian gần đây giá sản phẩm gia cầm đặc biệt là giá gà giống và thịt xuống thấp, có thời điểm giá bán thấp hơn giá thành, nguyên nhân được đưa ra là “cung vượt cầu”. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn từ nước ngoài có ý định đầu tư vào Việt Nam, nếu điều này trở thành hiện thực rất khó cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước có thể cạnh tranh được. Vì vậy, Hiệp hội nên quan tâm vấn đề này, trước mắt phải có ý kiến tới các bộ, ban, ngành để giảm quy mô đàn, kiểm soát tình trạng cùng – cầu, ngăn chặn nhập lậu gia cầm…
Phó Chủ tịch Trịnh Quan Thanh kiến nghị về vấn nhập khẩu tại Hoa Kỳ, hiện nay trường hợp buộc phải giảm thuế nhập khẩu cho mặt hàng thịt, Hiệp hội cần kiến nghị ngành chức năng cần tính toán giảm theo lộ trình và phải có hàng rào tiêu chuẩn, điều này góp phần bảo hộ sản xuất trong nước, giúp ngành chăn nuôi có thêm thời gian thay đổi, phát triển để đủ lực cạnh tranh với hàng nhập.
Trước những khó khăn đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Vinh cho rằng phải xây dựng một chuỗi sản xuất từ đầu vào đến đầu ra nội tại trong Hiệp hội, lựa chọn các doanh nghiệp có những thế mạnh nổi bật đưa ra những sản phẩm chất lượng nhất trong các khâu, được Hiệp hội đảm bảo, chứng nhận. Đặc biệt, tập trung có yếu tố bản địa, phát huy thế mạnh doanh nghiệp nội địa, mang sắc thái địa phương.
Còn Phó Chủ tịch Trịnh Quang Thanh đề xuất, hiện nay thị trường xuất khẩu chúng ta chưa chủ động được, không thể một sớm một chiều có thể chinh phục, ngành gia cầm cần thời gian để tiếp cận. Trong khi đó, tiêu thụ thị trường trong nước 99%, hệ thống chế biến Masan, C.P., San Hà… Hiệp hội kêu gọi doanh nghiệp chế biến, siêu thị tham gia vào chuỗi sản xuất của Hiệp hội, để doanh nghiệp thấy được lợi ích khi tham gia (giá, mặt hàng)… Đồng thời, cần quan tâm hơn nữa đến HTX, người thu mua, để đẩy mạnh khâu tiêu thụ sản phẩm.
Phó Chủ tịch Phạm Kim Đăng thì cho rằng, lâu nay ngành chăn nuôi chỉ làm về lượng, chưa chú ý đến cùng – cầu, quản lý khó. Vì vậy để không chạy theo số lượng, Hiệp hội hướng tới triển khai hình thức đánh giá, chứng nhận và cam kết trên thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm. Hiệp hội kiểm soát từ đầu vào đến đầu ra, đưa sản phẩm vào siêu thị lớn, vận động bán lẻ ở đầu mối, tạo được sản phẩm mang thương hiệu riêng… Cục Chăn nuôi và Thú y luôn đồng hành cùng Hiệp hội để giải quyết khó khăn và đưa ra giải pháp khi được yêu cầu hỗ trợ. Các hội thảo sẽ hướng đến thảo luận đề xuất giải pháp gỡ khó cho ngành gia cầm.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch VPA Nguyễn Thanh Sơn đã kết luận và nêu các nhiệm vụ trọng tâm Quý II và Quý III năm 2025
Về công tác tổ chức: Thống nhất lần cuối nhân sự và thành lập 06 Ban chuyên môn. Sửa đổi bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, quy chế quản lý, sử dụng tài chính, tài sản và quy chế hoạt động của 02 ban chuyên môn còn lại. Ban hành mới Quy chế đạo đức trong kinh doanh. Chỉ đạo Tạp chí Thế giới Gia cầm và Trung tâm Tư vấn và Phát triển Gia cầm làm thủ đăng đăng ký lại con dấu, sau khi Hiệp hội đã đổi tên. Xem xét bổ nhiệm 01 Phó Tổng biên tập Tạp chí Thế giới Gia cầm. Hoàn thiện và phê duyệt Logo mới của VPA. Thành lập Câu lạc bộ các nhà sản xuất kinh doanh trứng gia cầm Việt Nam và ban hành quy chế hoạt động.
Về hoạt động giao thương nội khối và Hợp tác quốc tế: Đây là một trong những hoạt động quan trọng xuyên suốt cả nhiệm kỳ, vì vậy cần phải tiếp tục đẩy mạnh và tạo bước đột phá. Theo đó, sẽ bổ sung nhân sự Ban Giao thương nội khối và Phát triển thị trường, có kinh nghiệm về xúc tiến thương mại, giỏi tiếng Anh. Giao cho Ban Giao thương nội khối và Phát triển thị trường xây dựng kế hoạch thành lập chuỗi liên kết của Hiệp hội. Ban lãnh đạo VPA sẽ họp với một số DN về các lĩnh vực sản xuất giống, thức ăn, thuốc thú y để thống nhất nhận định về thị trường và giải pháp ứng phó. Tổ chức thăm và làm việc với một số doanh nghiệp nhằm nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và thúc đẩy giao thương nội khối. Tổ chức đoàn công tác thăm và làm việc với một số DN tại Trung Quốc. Dự kiến trong tháng 9/2025.
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị Phát triển ngành Gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững vào ngày 22/5/2025 tại Hà Nội. Phối hợp với một số doanh nghiệp tổ chức một số Hội thảo về phòng vệ thương mại trong bối cảnh có nhiều biến động về chính sách thuế quan của một số quốc gia. Dự kiến tổ chức tháng 6 năm 2025.
Phối hợp với Văn phòng đại diện PUM tại Hà Nội, hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện bản Dự án về đào tạo. Phối hợp với chuyên gia PUM tổ chức các khóa đào tạo cho DN, sau khi được PUM phê duyệt dự án.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội khác kiến nghị sửa đổi bổ sung Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và các Luật Chăn nuôi, Luật Thú y và các luật khác. Nghiên cứu, rà soát và kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định hành chính gây khó khăn cho DN. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng đề án, chương trình xuất khẩu sản phẩm gia cầm giai đoạn 2026 – 2030./.
Ban Truyền thông VPA